Lịch sử Arunachal_Pradesh

Các công cụ thời kỳ đồ đá mới được phát hiện tại Arunachal Pradesh cho thấy rằng con người đã cư trú tại khu vực Himalaya này ít nhất là mười một nghìn năm. Các cư dân sớm nhất tại Bhutan và các khu vực Himalaya lân cận của Nam Á là người đến từ văn minh thung lũng sông Ấn, tiếp theo đó là các dân tộc đến từ Tây Tạng và miền Nam Trung Quốc khoảng 2000 năm trước.

Lịch sử tiền hiện đại của Arunachal Pradesh không rõ ràng, lịch sử truyền khẩu hiện hành của nhiều bộ lạc gốc Tạng-Miến tại địa phương rất phong phú và chỉ ra rõ ràng rằng họ có nguồn gốc từ phía bắc, tại Tây Tạng hiện nay. Từ quan điểm văn hóa vật thể, rõ ràng rằng hầu hết các nhóm người bản địa liên hệ với các bộ lạc vùng núi Myanmar, thực tế này có thể lý giải là do có một nguồn gốc miền bắc Myanmar hoặc khuếch tán văn hóa về phía tây.

Theo chính phủ Arunachal Pradesh, các văn bản Hindu Kalika PuranaMahabharata đề cập đến khu vực với tên gọi là Dãy núi Prabhu của Puranas, và là nơi nhà hiền triết Parashuram rửa tội, nhà hiền triết Vyasa thiền, Quốc vương Bhishmaka thành lập vương quốc của mình, và Chúa Krishna cưới người vợ Rukmini.[4]

Lịch sử thành văn từ quan điểm bên ngoài chỉ hiện hữu trong các biên niên sử của người Ahom và Sutiya. Người MonpaSherdukpen cũng lưu giữ các ghi chép lịch sử về sự hiện diện của các tù bang địa phương tại tây bắc. Bộ phận tây bắc của khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của vương quốc Monyul của người Monpa, vốn hưng thịnh từ năm 500 đến năm 600. Khu vực này sau đó nằm dưới quyền kiểm soát lỏng lẻo của Tây Tạng và Bhutan, đặc biệt là tại các khu vực phía bắc. Các khu vực còn lại của bang, đặc biệt là những nơi giáp với Myanmar, nằm dưới quyền kiểm soát của các Quốc vương Sutiya cho đến cuộc chiến Ahom-Sutiya trong thế kỷ 16. Người Ahom nắm giữ khu vực cho đến khi người Anh thôn tính Ấn Độ vào năm 1858. Tuy nhiên, hầu hết các bộ lạc Arunachal trên thực tế duy trì tự trị mức độ lớn cho đến khi Ấn Độ độc lập và chính thức hóa chính quyền bản địa vào năm 1947.

Các cuộc khai quật gần đây tại các di chỉ đền thờ Ấn Độ giáo như Malinithan từ thế kỷ 14 tại chân đồi Siang tại Tây Siang được xây dựng trong thời gian Sutiya cai trị. Di sản nổi bật khác là Bhismaknagar dẫn tới đề xuất rằng người Idu (Mishmi) có một nền văn hóa và quản trị tiến bộ trong thời kỳ tiền sử. Tuy nhiên, không có bằng chứng liên kết trực tiếp Bhismaknagar với điều này hay bất kỳ văn hóa nào khác được biết đến, song các quân chủ Sutiya cai quản khu vực quanh Bhismaknagar từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16. Di sản thứ ba là Tu viện Tawang có niên đại 400 năm tại cực tây-bắc của bang, cung cấp một số bằng chứng lịch sử của dân chúng bộ lạc Phật giáo. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 là Tsangyang Gyatso sinh tại Tawang.[5]

Vẽ đường McMahon

Bản đồ của Anh phát hành năm 1909 thể hiện biên giới truyền thống Ấn-TạngBản đồ của Anh phát hành năm 1922 thể hiện biên giới Ấn-Bhutan-Tạng khác với bản đồ năm 1909.

Năm 1913–1914, các đại biểu của Trung Quốc, Tây Tạng và Anh họp tại Ấn Độ kết thúc bằng Điều ước Simla.[6] Tuy nhiên, các đại biểu Trung Quốc cự tuyệt đàm phán về lãnh thổ. Mục đích của hiệp định này là xác định biên giới giữa Nội Tạng và Ngoại Tạng, cũng như giữa Ngoại Tạng và Ấn Độ thuộc Anh. Nhà cầm quyền người Anh là Henry McMahon thảo ra một đường McMahon dài 550 dặm (890 km) làm biên giới giữa Ấn Độ thuộc Anh và Ngoại Tạng trong hội nghị Simla. Các đại biểu của Tây Tạng và Anh tại hội nghị đồng ý đường này và Tây Tạng nhượng Tawang và các khu vực khác của mình cho Đế quốc Anh. Đại biểu của Trung Quốc từ chối chấp thuận thỏa thuận và rút khỏi hội nghị. Chính phủ Tây Tạng và Chính phủ Anh tiến tới Hiệp định Simla và tuyên bố rằng lợi ích của các điều khoản khác trong hiệp định này không dành cho Trung Quốc chừng nào họ vẫn nằm ngoài phạm vi hiệu lực.[7] Quan điểm của Trung Quốc là Tây Tạng không độc lập khỏi Trung Quốc nên không thể độc lập ký kết các hiệp định, và theo các công ước Anh-Thanh (1906) và Anh-Nga (1907), bất kỳ thỏa thuận nào như vậy là bất hợp pháp nếu không được Trung Quốc tán thành.[8]

Simla ban đầu bị Chính phủ Ấn Độ bác bỏ do không tương thích với Công ước Anh-Nga năm 1907. Tuy nhiên, công ước này bị Nga và Anh cùng từ bỏ vào năm 1921. Tuy nhiên, do quyền uy của Trung Quốc tại Tây Tạng tan vỡ, đường này không gặp thách thức nghiêm trọng do Tây Tạng đã ký kết, do đó nó bị lãng quên đến mức không bản đồ mới nào được phát hành cho đến năm 1935, khi công vụ viên Olaf Caroe kêu gọi chú ý đến vấn đề. Cục đo đạc địa hình Ấn Độ phát hành một bản đồ thể hiện đường McMahon là biên giới chính thức vào năm 1937.[9] Năm 1938, người Anh cuối cùng cho phát hành hiệp định Simla với tư cách một hiệp ước song phương; năm 1938 Cục đo đạc địa hình Ấn Độ phát hành một bản đồ chi tiết thể hiện Tawang là bộ phận của Đặc khu Biên giới Đông Bắc. Năm 1944, Anh thiết lập chính quyền tại khu vực từ Dirang Dzong tại phía tây đến Walong tại phía đông. Tuy nhiên, Tây Tạng thay đổi lập trường về đường McMahon vào cuối năm 1947 khi chính phủ Tây Tạng viết một công hàm cho Bộ trưởng Ngoại vụ Ấn Độ đặt yêu sách với (Tawang) phía nam đường McMahon.[10] Tình hình tiến triển hơn nữa khi Ấn Độ độc lập và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949. Đến tháng 11 năm 1950, khi Trung Quốc sẵn sàng tiếp quản Tây Tạng, Ấn Độ đơn phương tuyên bố rằng đường McMahon là biên giới—và đến năm 1951 buộc tàn dư cuối cùng của chính quyền Tây Tạng ra khỏi khu vực Tawang.[11][12] Trung Quốc chưa từng công nhận đường McMahon, và yêu sách Tawang nhân danh người Tạng.[13] Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vào năm 2003 nói rằng Tawang "thực tế là bộ phận của chính quyền Tây Tạng" trước Điều ước Simla.[14] Theo lời Đạt Lai Lạt Ma, "Năm 1962 trong Chiến tranh Ấn-Trung, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ các khu vực này (Arunachal Pradesh) song họ tuyên bố đơn phương đình chiến và triệt thoái, chấp thuận biên giới quốc tế hiện tại".[15]

Chiến tranh Trung-Ấn

Đặc khu biên giới Đông Bắc được thành lập vào năm 1955. Vấn đề yên lặng trong gần một thập niên trong giai đoạn quan hệ Trung-Ấn thân mật, song sau đó lại nổi lên thành một nguyên nhân chính gây ra Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Nguyên nhân leo thang đến chiến tranh vẫn là điều tranh luận theo tài liệu của hai bên. Trong chiến tranh năm 1962, Trung Quốc chiếm đóng hầu hết khu vực Arunachal Pradesh. Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng tuyên bố thắng lợi, và tự nguyện triệt thoái về sau đường McMahon và trao trả các tù binh chiến tranh Ấn Độ vào năm 1963. Chiến tranh dẫn đến kết thúc trao đổi mậu dịch với Tây Tạng, dù vào năm 2007 chính phủ bang thể hiện các chỉ dấu khôi phục trao đổi mậu dịch với Tây Tạng.[16]

Tên gọi hiện tại

Đặc khu biên giới Tây Bắc được đổi tên thành Arunachal Pradesh vào ngày 20 tháng 1 năm 1972 và trở thành một lãnh thổ liên bang. Arunachal Pradesh trở thành một bang vào ngày 20 tháng 2 năm 1987.

Gần đây, Arunachal Pradesh phải đối diện với một số tổ chức nổi loạn, đáng chú ý là Hội đồng Xã hội chủ nghĩa Dân tộc Nagaland (NSCN), nhóm này được cho là có các trại căn cứ tại huyện ChanglangTirap.[17] Có những tường thuật không thường xuyên về các tổ chức này quấy nhiễu nhân dân địa phương và tống tiền bảo kê.[18]

Đặc biệt là dọc biên giới với Tây Tạng, quân đội Ấn Độ có hiện diện đáng kể do lo ngại về ý định của Trung Quốc trong khu vực. Cần phải có giấy phép đặc biệt để vào Arunachal Pradesh thông qua bất kỳ trạm kiểm soát nào trên biên giới với Assam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Arunachal_Pradesh http://www.tibet.cn/t/040616zazc_cyjc/200402004617... http://www.atimes.com/atimes/South_Asia/JF27Df01.h... http://www.dnaindia.com/india/report-narendra-modi... http://articles.economictimes.indiatimes.com/2012-... http://articles.economictimes.indiatimes.com/2014-... http://timesofindia.indiatimes.com/India/Tawang_is... http://timesofindia.indiatimes.com/india/Modi-to-f... http://timesofindia.indiatimes.com/india/Top-offic... http://www.indiatimes.com/lifestyle/travel/arunach... http://www.livemint.com/Politics/nqEwdXxkIgrSHPpTS...